Tìm hiểu Tết Trung thu cổ truyền của người Việt Nam

Lượt xem: 427

Tết Trung thu thường diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, khi mặt trăng tròn và sáng nhất. 

Tết Trung thu ở Việt Nam là một trong những lễ hội cổ truyền được người dân tổ chức rầm rộ nhất. Ngày lễ này thường được coi là "tết của thiếu nhi", vì vậy người lớn thường mua nhiều đồ chơi tặng cho con, cháu mình như: mặt nạn, đèn ông sao, đèn lồng, trống, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy... để chơi trong đêm trăng rằm. 

Bên cạnh đó, người ta còn tổ chức múa lân (múa sư tử) trong tiếng trống huyên náo tạo nên không khí Trung thu tưng bừng. Đoàn múa lân gồm nhiều em nhỏ đi đến trước cửa từng nhà trong thôn, xóm để trình diễn những điệu múa đẹp mắt. Sau đó, chủ nhà thưởng cho đoàn múa lân một chút tiền lẻ để lấy may mắn.

Trong ngày Tết Trung thu, trẻ em sẽ được phá cỗ đêm trăng ở gia đình hoặc khu xóm và tham gia chương trình văn nghệ sôi động, vui nhộn. Vào dịp này, người nông dân sẽ gác lại các công việc đồng áng của mình để cùng nhau đón trăng, người lớn chúc nhau những lời hay ý tốt, cùng chuẩn bị mâm cỗ đón trăng. 

Mâm cỗ cúng trăng truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Việt Nam gồm 5 loại hoa quả tượng trưng cho ngũ hành trong trái đất, bánh nướng, bánh dẻo với nhiều hương vị khác nhau. Bánh nướng, bánh dẻo là 2 loại bánh đặc trưng của Tết Trung thu ở Việt Nam, có hình tròn hoặc hình vuông tượng trưng cho đất trời hay sự viên mãn sung túc. Bánh nướng có vỏ ngoài vàng óng, còn bánh dẻo lại trắng ngà với mùi thơm đặc trưng của từng hương vị. Những miếng bánh ngọt được thưởng thức với trà xanh, thường là trà đặc – một trong những thức uống yêu thích của người Á đông.